Google Analytics cho người mới bắt đầu (Phần 2)
|Bài viết tiếp tục những series kiến thức Google Analytics cho người mới bắt đầu. Trước khi đọc tiếp, bạn cần ôn lại kiến thức căn bản Google Analytics phần 1 về Google Analytics là gì, cơ chế hoạt động cũng như cách cài đặt Google Analytics.
Trong bài này, khái niệm Dimensions, Metrics và cấu trúc tài khoản Analytics là những thuật ngữ, kiến thức rất cần thiết cho người mới bắt đầu khi làm quen với Google Analytics.
Dimensions và Metrics
Người mới bắt đầu sử dụng Google Analytics (GA) sẽ rất choáng ngợp trước hàng loạt số liệu, báo cáo hiện ra trước mắt. Thực ra, dữ liệu GA được phân loại rất khoa học thành hai dạng chính: Thứ nguyên (Dimensions) và Số liệu (Metrics). Đây là hai thành phần chính tạo ra báo cáo Analytics.
Thứ nguyên (Dimensions) dùng để miêu tả dữ liệu như Trang đích, Độ tuổi, Giới tính, Phương tiện.
Số liệu (Metrics) là những con số dùng để đo dữ liệu ví dụ như có bao nhiêu trang đích, độ tuổi bao nhiên, có những phương tiện nào,.…
Một cách để phân biệt Thứ nguyên và Số liệu đó là trong báo cáo dạng bảng, hàng dọc ở bên trái là Thứ nguyên và các giá trị của Thứ nguyên. Ví dụ trong bảng “Tất cả các trang”, Trang là một Thứ nguyên và tiêu đề các trang là giá trị của Trang. Trong hàng ngang ở trên sẽ là Số liệu của thứ nguyên đó. Trong ví dụ này, Số liệu gồm số lần xem trang (Pageview), tỷ lệ thoát (Bounce rate),…
Báo cáo trong GA là sự kết hợp giữa Thứ nguyên và Số liệu. Trong mỗi báo cáo luôn có Thứ nguyên chính và Thứ nguyên phụ. Thứ nguyên phụ dùng để xem chi tiết hơn Thứ nguyên chính trước đó. Ví dụ, bạn có thể xem người dùng vào trang Home từ nguồn nào.
Dữ liệu và cách sắp xếp báo cáo trong GA đều rất khoa học và hệ thống giúp cho nhà phân tích tùy biến cao theo mục đích cá nhân. Khi hiểu được Thứ nguyên (Dimensions) và Số liệu (Metrics), bạn có thể tự tạo báo cáo cá nhân (Custom Report) vừa xem được những thông tin thực sự cần thiết vừa giảm bớt thời gian quản lý do chỉ cần xem 3-4 báo cáo.
Cấu trúc tài khoản Analytics
Trong một tài khoản Google Analytics thường phân ra ba cấp bậc chính: Tài khoản (Account), Thuộc tính (Property) và Chế độ xem (Views). Trong đó mỗi email bạn có thể đăng kí được nhiều tài khoản. Trong mỗi tài khoản quản lý nhiều thuộc tính và dưới mỗi thuộc tính có nhiều chế độ xem khác nhau.
Tài khoản (Account)
Đây là cấp bậc cao nhất trong Google Analytics. Khi bạn tạo một tài khoản trên Google Analytics đồng nghĩa với việc bạn có khả năng quản lý các tài khoản con khác – hay còn gọi là thuộc tính (property) sẽ được nói sau. Bạn có thể có một hoặc nhiều tài khoản. Nếu chưa có, hãy đăng kí ngay một tài khoản riêng cho mình.
Thuộc tính (Property)
Thuộc tính hiểu đơn giản là các thiết bị kĩ thuật số Google Analytics có thể theo dõi được, như website, ứng dụng trên mobile hoặc thiết bị kĩ thuật số. Thông thường, nếu bạn có nhiều website, bạn nên sử dụng một tài khoản để quản lý các thuộc tính đó.
Khi muốn theo dõi thêm một website khác, bạn cần thêm thuộc tính vào tài khoản bằng cách cài mã theo dõi của Analytics vào website đó. Mã theo dõi của GA là mã độc nhất dùng để xác định dữ liệu đến từ website nào.
Chế độ xem (View)
Mỗi thuộc tính có thể có nhiều chế độ xem. Trong mỗi website hay thuộc tính đều có một chế độ xem nguyên gốc – tức là dữ liệu không bị thay đổi. Chế độ xem nguyên gốc rất quan trọng. Khi bạn thiết lập bộ lọc (Filter) hay muốn so sánh dữ liệu (sử dụng A/B Testing), cần tạo thêm các chế độ xem khác.
Thông thường, nên có ít nhất ba chế độ xem: Bản thử (dùng để kiểm tra các thiết lập có ảnh hưởng như thế nào đến dữ liệu), Bản Master (gồm tất cả những thiết lập cần thiết và hiệu quả) và Bản nguyên gốc (bạn biết để làm gì rồi đó).
Một lưu ý khá quan trọng, khi bạn tạo một chế độ xem mới, báo cáo sẽ chỉ hiện thị dữ liệu tính từ lúc bắt đầu tạo. Ví dụ, bạn tạo chế độ xem mới vào ngày 1 tháng 11, dữ liệu trong chế độ xem mới chỉ hiện từ ngày 1 tháng 11 trở đi mà không có dữ liệu trong những tháng trước. Do vậy, ngay khi có tài khoản GA, bạn cần tạo ngay thêm ít nhất 2 bản chế độ xem.
Người dùng (User) và Quyền hạn (Permission)
Ngoài ra, bạn có thể thêm người quản lý mới và trao quyền cho họ. Tùy vào quyền hạn bạn giao cho người đó, có thể thêm người mới vào ở cấp bậc Tài khoản, Thuộc tính hoặc Chế độ xem.
Tác giả: Tuấn Anh – VietMoz SEO Junior
Ghi rõ nguồn www.dautuseo.com khi đăng tải lại bài viết này
Xem thêm các kiến thức SEO khác tại đường dẫn Google Analytics | Kiến thức SEO
Danh mục bài viết có liên quan:
Google Analytics cho người mới bắt đầu (P1)Tác dụng Google Analytics trong kinh doanh