Liệu tỷ lệ bỏ trang thấp đã là tốt?
|Hiện nay, đa số người sử dụng Google Analytics đều rất quan tâm tới chỉ số tỷ lệ bỏ trang (Bounce Rate) và cố gắng giảm chỉ số này xuống mức thấp nhất có thể. Những website có tỷ lệ bỏ trang cao phản ánh mức độ tương tác của người dùng thấp, có thể là do nội dụng nghèo nàn hoặc thiết kế website không thân thiện với người dùng.
Tuy nhiên, có những trường hợp tỷ lệ bỏ trang cực kì thấp hoặc thậm chí bằng 0%, vậy thì trong trường hợp đó, tỷ lệ bỏ trang thấp có phải là một điều tốt? Trước khi tìm hiểu lí do, cùng xem lại tỷ lệ bỏ trang (Bounce Rate) là gì.
Nội Dung
Tỷ lệ bỏ trang là gì
Theo như định nghĩa của Google, tỷ lệ bỏ trang (Bounce Rate) là tỷ lệ người dùng chỉ xem một trang duy nhất trong cả phiên truy cập. Nói chi tiết hơn là người dùng rời khỏi trang sau khi vào mà không có bất cứ hành động nào tương tác với website.
Mọi người thường hay nhầm thuật ngữ Bounce Rate là tỷ lệ thoát trang. Google Analytics cũng bị dịch sai thành “Tỷ lệ thoát”. Thực tế, Bounce Rate phải là “Tỷ lệ bỏ trang” do trong Google Analytics còn một thuật ngữ khác là Exit Rate mới dịch là “Tỷ lệ thoát trang”.
>>> Phân biệt Exit Rate và Bounce Rate <<<
Google tính tỷ lệ bỏ trang như thế nào? Google sử dụng mã theo dõi mà bạn đã gắn lên website để tính số lần bỏ trang. Mỗi khi có người vào website, Google sẽ báo có một lần xem trang. Khi người đó rời khỏi trang mà không xem thêm trang nào khác, Google sẽ tính là một lượt bỏ.
Tỷ lệ bỏ trang trung bình ở các website hiện nay khá là cao, thường hơn 75% trở lên. Tuy nhiên có những website ghi nhận trường hợp tỷ lệ bỏ trang giảm đột ngột hoặc bị giảm về 0%. Đâu là nguyên nhân xảy ra tình trạng như vậy?
Nguyên nhân khiến tỷ lệ bỏ trang “siêu thấp”
Khi tỷ lệ bỏ trang giảm đột ngột có thể giải thích bằng một trong những nguyên nhân sau.
1. Lượng spam traffic tăng đột biến
Công nghệ ngày một tinh vi khi mà những truy cập spam không có những dấu hiệu dễ nhận biết như: tỷ lệ bỏ trang bằng 0, thời gian trên trang bằng 0 hay số trang xem chỉ là 1 trang. Thay vào đó, spambot sẽ xem 2 trang trở lên tức là đã giảm tỷ lệ bỏ trang và ở lại trên trang lâu hơn.
Nếu website của bạn mới, ít người truy cập thì khi lượng spam traffic quá lớn sẽ gây ra tỷ lệ bỏ trang giảm đột ngột, từ mức 70-80% xuống còn 2-3%.
2. Mã theo dõi bị kích hoạt hai lần
Khi bạn cài mã theo dõi lên website, mã theo dõi sẽ báo có một lần tải trang mỗi khi có người truy cập. Bằng một cách nào đó như việc bạn gắn hai mã theo dõi cùng lúc trên website hoặc sử dụng plugin khiến mã theo dõi bị kích hoạt hai lần, Google sẽ không thể tính tỷ lệ bỏ trang.
Lí do bởi khi bạn vào trang, một mã được kích hoạt và mã còn lại sẽ tiếp kích hoạt lần thứ hai, khiến cho Google cho rằng đã có thêm một hành động tương tác của người dùng và tỷ lệ bỏ trang giảm xuống đáy.
Hiện tượng mã theo dõi bị kích hoạt hai lần cũng sẽ làm gấp đôi số lần xem trang (pageview) và số lượt truy cập (visit). Do vậy, nếu gặp trường hợp này, bạn cần kiểm tra lại cẩn thận xem đã gắn mã đúng chưa.
3. Lỗi trong thiết kế website
Đây một phần là do ý định của chủ website khi xây dựng website nhằm bắt người dùng phải thực hiện một hành động trước khi vào trang chính. Ví dụ như bạn phải click vào một trang nào đó mới xem được trang mà bạn cần.
Google sẽ coi người dùng đã xem hai trang trong khi họ mới xem được một trang cần thiết và ấm ức khi phải click vào một trang không liên quan, khiến tỷ lệ bỏ trang giảm hẳn.
Đây là một số lí do chính khiến tỷ lệ bỏ trang giảm đột ngột nhưng tỷ lệ thấp không được mà cao cũng chả xong. Vậy đâu là mức thang chuẩn đối với tỷ lệ bỏ trang?
Tỷ lệ bỏ trang như thế nào là vừa?
Thực ra tỷ lệ bỏ trang cao hay thấp còn phụ thuộc vào tính chất của website và yêu cầu của chủ website.
Nếu website của bạn đơn thuần chỉ cung cấp thông tin theo kiểu báo giá sản phẩm, cho biết địa chỉ một nhà hàng nào đó thì tỷ lệ bỏ trang cao không có gì bất ngờ. Bởi người dùng chỉ cần xem thông tin họ cần rồi thoát.
Còn nếu website cung cấp kiến thức, thông tin cần được nghiên cứu nhiều như bài review sản phẩm có đến 2,3 bài hay kiến thức về Google Analytics có hàng đống thứ thì bạn cần làm cách nào đó để níu giữ người dùng xem càng nhiều càng tốt.
Với những website bán sản phẩm dịch vụ, tỷ lệ bỏ trang cao cũng phản ánh khá nhiều thứ. Lúc này bạn cần hiểu khách hàng vào web chỉ để xem thông tin thôi hay họ đang muốn tìm thông tin để mua hàng. Tỷ lệ bỏ trang cao cho thấy website nghèo nàn nội dung, ít sản phẩm, không lôi cuốn được khách hàng.
Dưới đây là thang đánh giá tỷ lệ bỏ trang dựa trên ý kiến cá nhân, có tính tương đối cho từng loại website:
- Website kiến thức: 40 – 60%
- Website bán hàng: 30 – 50%
- Website dịch vụ, chăm sóc khách hàng: 70 – 90%
- Blog: 70 – 80%
Tác giả: Tuấn Anh – VietMoz SEO Junior
Bạn vừa xem bài viết “Liệu tỷ lệ bỏ trang thấp đã là tốt?”
Ghi rõ nguồn www.dautuseo.com khi đăng tải lại bài viết này
Xem thêm các kiến thức SEO khác tại đường dẫn Google Analytics | Kiến thức SEO
Nên tối ưu liên kết nội bộ, tốc độ tải trang để hấp dẫn người đọc.
Cho mình hỏi tỷ lệ thoát trang cao có ảnh hưởng đến thứ hạng từ khóa không ạ? Mình thấy đối thủ của mình tỷ lệ Bounce Rate 100% mà vẫn không bị tụt hạng, nhờ bác khai thông não giúp em với