Google Analytics cho người mới bắt đầu (Phần 1)
|Google Analytics là một công cụ vô cùng mạnh mẽ và hữu ích trong việc phân tích website. Thông qua Google Analytics, doanh nghiệp có thể hiểu thêm về hành vi khách hàng, điều chỉnh chiến lược marketing phù hợp. Tuy nhiên hiện nay những bài viết về Google Analytics cho người mới bắt đầu thường dừng lại ở cách cài đặt, giới thiệu tổng quát.
Series về Google Analytics trên Đầu Tư SEO sẽ cung cấp kiến thức cho người mới, bắt đầu với bài viết hướng dẫn bạn cách cài đặt Google Analytics và tìm hiểu cơ chế hoạt động của Google Analytics.
Nội Dung
Cơ chế hoạt động Google Analytics cho người mới bắt đầu
Google Analytics là công cụ phân tích web miễn phí, rất phổ biến của Google. Google Analytics rất hữu ích trong việc phân tích lưu lượng truy cập và tạo ra bức tranh tổng thể cho nhà quản trị web cho biết đối tượng mục tiêu là ai và họ đang cần gì. Google Analytics có một tầm quan trọng đặc biệt trong việc điều hướng các chiến dịch marketing
Đối với người chưa biết gì, bạn cần có cái nhìn tổng quan về cách hoạt động, xử lý dữ liệu của Google Analytics (GA), tránh sai sót trong việc cài đặt nâng cao vì không hiểu cách hoạt động. Nhìn chung, Google Analytics trải qua 4 giai đoạn chính để đi đến báo cáo hằng ngày bạn vẫn xem.
Thu thập dữ liệu
Khi bạn tìm kiếm từ khóa, ví dụ “google analytics”, ngay lập tức Google sẽ trả về một danh sách các kết quả để bạn lựa chọn. Một khi bạn click vào website đồng nghĩa với việc các thông tin về bạn được GA thu thập thông qua một đoạn mã Javascript cài trong website. Đoạn Java này lưu thông tin về lượt click, thời gian truy cập, số phiên,…
Không chỉ thu thập từ website mà GA còn có thể lấy dữ liệu từ các thiết bị kết nối Internet như mobile, máy ATM hay thậm chí tủ lạnh kết nối Internet. Tất cả các dữ liệu cơ bản như tuổi tác, giới tính, ngôn ngữ, khu vực địa lý, trình duyệt web đang sử dụng,… cho đến dữ liệu phức tạp hơn như hành vi người dùng, nguồn giới thiệu (Referral Traffic) Sau đó, thông tin được gói lại và gửi đến kho dữ liệu của Google chuyển sang giai đoạn tiếp theo.
Xử lý thông tin
Khi đến bước này, GA tiếp nhận hàng loạt thông tin lộn xộn với hàng tỉ thứ liên quan tới website. Vì vậy, GA sẽ phải xử lý những thông tin thô này thành thông tin có thể sử dụng và thực sự cần thiết rồi sau đó đóng gọi lại cẩn thận.
Cấu hình
Tiếp đó, thông tin nguyên bản của GA sẽ được tích hợp với cấu hình, cài đặt (ví dụ Bộ lọc – Filter) của bạn sao cho phù hợp. Một lưu ý rằng một khi thông tin được xử lý và lưu trong database, thông tin sẽ không thể thay đổi được. Vì vậy hãy cẩn trọng trong việc thiết lập Bộ lọc (Filter).
Báo cáo
Đến giai đoạn cuối cùng, GA sẽ xuất dữ liệu, trình bày thông tin dưới dạng báo cáo mà bạn vẫn thấy thường ngày. Đó là toàn bộ bốn giai đoạn về cách hoạt động của Google Analytics. Hãy cùng tìm hiểu cách cài đặt Google Analytics cho người mới bắt đầu một cách đầy đủ.
Hướng dẫn cài đặt tài khoản Google Analytics
Bước 1: Đăng ký tài khoản Google Analytics
Bạn cần truy cập vào trang chủ Google Analytics, đăng nhập bằng gmail của bạn. Đây sẽ là mail dùng để quản lý tài khoản GA. Sau đó ấn vào nút Access Google Analytics. Bước này là để chứng thực bạn làm chủ website. Bạn sẽ nhìn thấy một cửa sổ như thế này.
Bạn điền tất cả thông tin cần thiết vào. Account Level có thể đặt là Trang tin tức. Lưu ý tên website phải nhập chính xác và phân biệt giữa http:// và https://, có www hay không. Sau đó điền lĩnh vực website đang hoạt động.
Sau đó bấm Get tracking ID và chấp nhận điều khoản của Google để hoàn thành bước đăng ký Google Analytics.
Còn đối với các bạn đã có tài khoản GA từ trước và giờ muốn quản lý thêm một website khác, bấm vào Create new account (Tạo một tài khoản mới).
Bước 2: Thêm Tracking Code vào website
Bạn vào Admin > Property > Tracking Info > Tracking Code và bạn sẽ thấy đoạn mã Javascript tương ứng với mỗi website.
GA hướng dẫn bạn copy đoạn Javascript này rồi dán vào thẻ <head> trong website. Bạn có thể nhờ coder làm giúp hoặc tự làm theo các bước sau:
- Cài plugin Insert Header and Footer
- Sau đó chọn Cài đặt > Insert Header and Footer rồi dán code vào thẻ <head>.
Như vậy là bạn đã hoàn thành xong quá trình cài đặt GA rồi và đợi 24 tiếng sau để có những dữ liệu thông tin đầu tiên.
Tác giả: Tuấn Anh – VietMoz SEO Junior
Bạn vừa xem bài viết “Google Analytics cho người mới bắt đầu (Phần 1)”
Ghi rõ nguồn www.dautuseo.com khi đăng tải lại bài viết này
Xem thêm các kiến thức SEO khác tại đường dẫn Google Analytics | Kiến thức SEO
Danh mục bài viết có liên quan:
Google Analytics cho người mới bắt đầu (P2)Tác dụng Google Analytics trong kinh doanh